Xây dựng “Killer Feature”

trên hành trình đi tìm PMF

Hành trình phát triển sản phẩm đi tìm PMF chưa bao giờ là dễ dàng.

Thực tế là có nhiều nhà sáng lập startup và đội ngũ của mình vẫn phải loay hoay đi tìm hoài PMF mà không thấy, mặc dù đã liên tục thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm ban đầu.

Nhưng cũng có nhiều startup đã tìm được ra được “cú huých” mang tên Killer Feature - giúp startup tìm thấy được PMF để bứt phá phát triển. Trong bài viết Daily Catchup hôm nay, tiếp nối chuỗi bài viết về Bài toán Build Product, tôi xin phép được chia sẻ về đề tài xây dựng Killer Feature cho startup.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu qua khái niệm cơ bản của Killer Feature.

Đây được coi là tính năng đột phá có vai trò đặc biệt, khiến sản phẩm của startup nổi bật hơn so với các đối thủ khác trên thị trường. Tính năng này giúp khách hàng yêu thích sản phẩm của bạn hơn, từ đó là liên tục quay trở lại sử dụng, gắn bó với sản phẩm.

Đây chính là tiền đề giúp sản phẩm tìm thấy được Product Market Fit - sản phẩm phù hợp với thị trường. Killer Feature này thường mang những đặc tính cơ bản và quan trọng như mang lại sự tiện lợi, dễ dàng sử dụng, tiết kiệm thời gian, tạo sự thích thú khi trải nghiệm sử dụng của khách hàng.

Chính những giá trị to lớn góp phần giúp startup tìm thấy PMF kể trên, khiến startup đều muốn có thể xây dựng được Killer Feature cho mình. Để xây dựng được tính năng đột phá này, đòi hỏi startup cần phải có cách tiếp cận chiến lược, thường gọi là Customer-Led Growth.

Đây là tiếp cận đòi hỏi startup phải tập trung vào khách hàng của mình tuyệt đối.

Đầu tiên là cần hiểu sâu sắc JTBD - “công việc cần hoàn thành” của khách hàng mục tiêu.

Sau đó, tập trung thu thập các phản hồi nhận xét từ khách hàng, chủ động đo đạc định tính và định lượng giá trị khách hàng tiếp nhận được từ sản phẩm.

Bên cạnh đó, liên tục bám sát trải nghiệm của khách hàng để tìm ra những “ma sát” và “đứt gãy” trong suốt hành trình sử dụng sản phẩm của họ.

Thậm chí, startup có thể khảo sát, phỏng vấn khách hàng của mình, để thu thập những đề xuất tính năng họ mong muốn có trong sản phẩm. Đây chính là những gợi ý quan trọng giúp startup tìm ra cách khắc phục hoàn thiện sản phẩm, là tiền đề giúp tìm ra được Killer Feature cho sản phẩm của startup.

Một trong những ví dụ tiêu biểu về tính năng đột phá Killer Feature này, và cũng là sản phẩm tôi sử dụng mỗi ngày trong công việc, mà tôi muốn giới thiệu trong bài viết này, đó là Zoom.

Đúng vậy, mặc dù Zoom có nhiều đối thủ, đặc biệt là hai đối thủ rất lớn trên thị trường, Microsoft Teams và Google Meet, tuy nhiên Zoom vẫn vô cùng nổi bật, trở thành ứng dụng họp trực tuyến yêu thích của nhiều người, nhờ có 2 tính năng Killer Feature.

Đầu tiên là tính năng cho phép cài đặt hình nền ảo Zoom (Virtual Background). Đây là tính năng rất hữu ích cho người dùng, khi có thể sử dụng hình ảnh hoặc video bất kì làm phông nền phía sau người dùng khi tham gia buổi họp trên Zoom, giúp họ có thể cảm thấy thoải mái hơn khi không cần phải lo lắng về hình ảnh không gian riêng tư nơi họ ngồi họp. Đặc biệt, đó có thể là không gian của căn phòng tại nhà khi vẫn còn bừa bộn của người dùng.

Tính năng Killer Feature thứ hai là, Gallery View - tính năng cho thấy hình ảnh tất cả mọi người đang tham gia cuộc họp với nhau cùng một lúc. Nó có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp người tham gia có thể dễ dàng quan sát một cách tổng quát tất cả những người tham gia, cùng với đó là dễ dàng ghi lại những hình ảnh chung để làm kỉ niệm hay để chia sẻ tới mọi người.

Ở một ví dụ khác, startup mà quỹ chúng tôi đầu tư và đồng hành ở Việt Nam - BuyMed - nền tảng phân phối dược phẩm cho nhà thuốc, cũng đã có được cho mình những Killer Feature, giúp startup này lần lượt đạt được PMF trên từng phân khúc khách hàng của mình theo từng giai đoạn.

Trong đó, đặc biệt, Killer Feature đầu tiên mà BuyMed xây dựng được là tính năng có thể nhanh chóng nhập tên sản phẩm thuốc để khách hàng của mình có thể tìm thấy thông tin sản phẩm và hoàn tất việc đặt mua hàng tiện lợi.

Như các bạn có thể hình dung ra, tên của các loại thuốc thường rất dài và phức tạp, nên khó nhớ hết một cách đầy đủ tên gọi sản phẩm, và khiến việc nhập đầy đủ tên sẽ mất thời gian.

Thấu hiểu được “ma sát” trong trải nghiệm nhập tên sản phẩm khi đặt đơn của khách hàng, BuyMed đã phát triển tính năng đắc lực hỗ trợ khách hàng có thể nhập tên viết tắt, từ chìa khoá, hay hình ảnh của sản phẩm, để từ đó trong hàng chục nghìn loại sản phẩm khác nhau, nền tảng sẽ đưa ra những gợi ý sản phẩm gần nhất với tên nhập đó.

Tính năng tưởng đơn giản này, lại “có võ” không tưởng, trong việc giúp khách hàng cảm thấy hài lòng và tiện lợi. Đặc biệt là tiết kiệm thời gian, vì tính năng này thậm chí còn giúp khách hàng tìm thấy sản phẩm và hoàn tất đơn đặt hàng nhanh chóng, chỉ trong vài giây, thậm chí còn nhanh hơn cả việc gọi xong tên sản phẩm khi đi mua hàng một cách thông thường của họ.

Đây chính là tính năng Killer Feature đầu tiên, giúp khách hàng yêu thích sản phẩm của BuyMed, từ đó là liên tục quay trở lại sử dụng nền tảng này với tỉ lệ retention rate luôn lớn hơn 90% mỗi tháng.

Trên đây là những chia sẻ tâm huyết của tôi về vai trò quan trọng của xây dựng tính năng Killer Feature, tạo điểm kích hoạt, đột phá giúp startup tìm thấy PMF trên tập khách hàng mục tiêu của mình.

Bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, là lấy khách hàng làm trung tâm, để phát triển một tính năng đặc biệt, mang lại trải nghiệm vượt trội hơn cả. Zoom và BuyMed cũng đã làm như vậy. Còn startup của bạn thì sao? Hãy chia sẻ để tôi cùng được học hỏi về hành trình của bạn nhé!

Yeah, keep fighting!!!

Last updated